Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu chấp hành nghiêm hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu chấp hành nghiêm hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

07/12/2022

Trong năm qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game) trong nước về cơ bản tuân thủ quy định khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; tham gia tích cực, đầy đủ các Hội nghị, Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, cũng như có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cho việc xây dựng chính sách quản lý mới của Bộ.

Tuy nhiên, qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát hiện một số vấn đề sau:

1. Tên gọi của Công ty, tên miền dự kiến cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng Công ty dự kiến cung cấp thường đặt theo tên nước ngoài hoặc có liên quan đến sản phẩm tiền mã hóa (tiền kỹ thuật số) hoặc cổng game bài không phép như các từ: PI, Luna, King Game,...

2. Một số doanh nghiệp thực hiện thủ tục Thông báo phát hành game G2, G3, G4 nhưng chủ yếu để thực hiện việc quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ khác, thực tế không phải cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

3. Một số doanh nghiệp được cấp Giấy phép G1, Giấy chứng nhận G2, G3, G4 nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ; không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

4. Về vấn đề bản quyền phát hành game: Nội dung hợp đồng ủy quyền của đối tác nước ngoài ủy quyền cho doanh nghiệp Việt Nam để phát hành trò chơi khá lỏng lẻo, không quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm các bên. Có trường hợp, trong nội dung ủy quyền thể hiện rõ đối tác nước ngoài là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống máy chủ, hệ thống thanh toán của trò chơi. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ là đơn vị thực hiện thủ tục pháp lý, đứng ra xin giấy phép phát hành game, còn quyền quản lý, chi phối toàn bộ hoạt động cung cấp game là đối tác nước ngoài.

5. Một số doanh nghiệp không triển khai các biện pháp kỹ thuật để thực hiện quản lý thông tin cá nhân người chơi theo quy định; không hiển thị logo phân loại độ tuổi và thông tin khuyến cáo “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” theo đúng quy định khi phát hành trên mạng.

6. Một số game đã được cấp phép phát hành nhưng không thực hiện việc kết nối thanh toán với hệ thống thanh toán đặt tại Việt Nam, mà kết nối thanh toán qua hệ thống thanh toán của nước ngoài (Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan,…).

7. Vẫn còn tình trạng tài khoản tải game lên kho ứng dụng (store) là tài khoản của nước ngoài, do đơn vị nước ngoài sở hữu, quản lý, trong khi game được cấp cho doanh nghiệp game trong nước, Ngoài ra, có trường hợp tên game khi phát hành không đúng với tên game đã được cấp phép.

8. Một số trò chơi G2, G3, G4 được cấp xác nhận thông báo phát hành nhưng có dấu hiệu biến tướng thành các trò chơi có yếu tố may rủi hoặc bổ sung tên gọi, các tính năng trong game tương tự như kiểu chơi mô phỏng trong các sòng bài.

Sau khi phát hiện các vi phạm nêu trên, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định và tiếp tục rà soát, kiểm tra thường xuyên.

Vì vậy, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề nghị các doanh nghiệp:

1. Chủ động rà soát, kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng do Công ty phát hành, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Rà soát các điều khoản trong Hợp đồng ủy quyền phát hành trò chơi, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Thận trọng trong quá trình đàm phán, thỏa thuận hợp đồng cũng như các điều khoản hỗ trợ trong vận hành, kinh doanh sản phẩm với đối tác nước ngoài. Đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt nội dung, hình ảnh game, không để các đối tác nước ngoài lợi dụng đưa vào nội dung vi phạm pháp luật như chèn bản đồ đường lưỡi bò phi pháp, thông tin xuyên tạc lịch sử, thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục.

3. Không cung cấp game không phép, nhất là các game NFT, game fi, game blockchain chưa được pháp luật công nhận; không tích hợp những loại hình thanh toán chưa được pháp luật công nhận như tiền kỹ thuật số, đầu số tin nhắn ngắn (SMS) để thanh toán cho game.

4. Không sử dụng tên gọi của Công ty, tên miền, tên các ứng dụng game có các ký tự liên quan đến sản phẩm tiền mã hóa (tiền kỹ thuật số) hoặc cổng game bài không phép.

5. Đảm bảo các tài khoản tải game lên kho ứng dụng (store) là tài khoản của doanh nghiệp, do doanh nghiệp game trong nước quản lý, kiểm soát.

6. Thực hiện nghiêm việc phân loại độ tuổi và hiển thị thông tin khuyến cáo theo đúng quy định; quản lý đầy đủ thông tin cá nhân người chơi đối với các game đã được thẩm định, cấp phép.

7. Đảm bảo hệ thống máy chủ, hệ thống thanh toán cho game phải đặt tại Việt Nam; đảm bảo các kênh thanh toán phát sinh từ người chơi trên lãnh thổ Việt Nam phải được thanh toán, hạch toán về tài khoản của Công ty.

8. Kịp thời báo cáo định kỳ về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo quy định hoặc báo cáo đột xuất theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp vi phạm (thu hồi Giấy phép, Giấy chứng nhận, Quyết định nếu phát hiện doanh nghiệp game vi phạm nhiều lần).